Việc tạm ngừng kinh doanh là một giải pháp cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp khó khăn mà chưa muốn giải thể doanh nghiệp.
Việc tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp có thể tạm ngừng trong 01 năm, trường hợp hết 01 năm doanh nghiệp vẫn chưa tiếp tục hoạt động thì có thể gia hạn tạm ngừng thêm 01 năm nữa.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp là một thủ tục khá đơn giản, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thủ tục này qua bài viết sau đây.
1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh bao gồm các thành phần sau:
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh của Doanh nghiệp/ chi nhánh/ văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Mẫu phụ lục II-21 thông tư 02/2019/TT-BKHĐT)
- Quyết định của Chủ sở hữu đối với Công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty Hợp danh.
- Bản sao hợp lệ biên bản họp của Chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty Hợp danh.
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy chứng thực cá nhân của người đó trong trường hợp không do người thành lập doanh nghiệp tự mình làm thủ tục.
2. Trình tự thực hiện
Trong thời hạn muộn nhất là 15 ngày trước khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ vào Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Yên.
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện thì đồng thời phải gửi thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
Nộp hồ sơ
Có hai cách để nộp hồ sơ:
- Nộp trực tiếp: Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến trực tiếp tại bộ phận một cửa Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Yên nộp hồ sơ và nhận giấy biên nhận.
- Nộp qua mạng điện tử: Việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử có thể nộp bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.
Người nộp hồ sơ phải nhập đầy đủ thông tin trên hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tải các bản Scan các giấy tờ trong hồ sơ lên hệ thống. Sau khi nộp quý vị sẽ nhận được Giấy biên nhận.
Nhận kết quả
- Trường hợp nộp trực tiếp
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hoặc theo ngày hẹn trên giấy biên nhận, người nộp hồ sơ đến bộ phận một cửa để nộp lệ phí và nhận kết quả xử lý.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong vòng 60 ngày, phải nộp sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Thời gian giải quyết là 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.
– Trường hợp hồ sơ được chấp thuận thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy xác nhận doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
- Trường hợp nộp qua mạng điện tử
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo kết quả xử lý qua email đã đăng ký.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong vòng 60 ngày, phải nộp sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Thời gian giải quyết là 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.
– Trường hợp, hồ sơ hợp lệ, quý vị sẽ nhận được Thông báo Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã hợp lệ. Trong vòng 30 ngày, người nộp hồ sơ phải mang bản giấy, kèm theo giấy biên nhận, Thông báo Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã hợp lệ đến bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để nhận Giấy xác nhận doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
3. Một số lưu ý khi làm thủ tục tạm ngừng
- Thời hạn tạm ngừng: 01 năm, có thể tiếp tục gia hạn thêm 01 năm. Khi hết thời hạn tạm ngừng lần 1 nếu doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục gia hạn thì phải làm thủ tục gia hạn. Trường hợp không làm thủ tục gia hạn thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.
Tổng thời hạn tạm ngừng không được quá 2 năm liên tục. Nếu quá thời hạn trên mà doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động thì phải làm thủ tục giải thể doanh nghiệp.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải đóng lệ phí môn bài và tờ khai thuế. Tuy nhiên doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải làm hồ sơ quyết toán tài chính.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, nộp đủ tờ khai, báo cáo trong quý hoạt động, thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đối với các đối tác, nghĩa vụ đối với người lao động trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là thủ tục để đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu bạn có vấn đề gì còn thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi Tư vấn Blue để được tư vấn.