Công ty hợp danh là một loại hình công ty còn mới mẻ với nhiều người, sở dĩ vậy là vì công ty hợp danh chưa phổ biến tại Việt Nam. Vậy công ty này có cơ cấu như thế nào và thủ tục để thành lập công ty này ra sao. Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
1. Tìm hiểu về Công ty hợp danh
a. Công ty hợp danh theo quy định của pháp luật
Công ty hợp danh được quy định cụ thể, chi tiết tại Chương VI Luật Doanh nghiệp 2014.
Theo đó, công ty hợp danh là doanh nghiệp, có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài thành viên hợp danh, công ty còn có thể có thành viên góp vốn.
- Điều kiện của thành viên hợp danh: thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên hợp danh không được đồng thời là chủ Doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác nếu không được sự đồng ý của tất cả các thành viên hợp danh trong công ty.
- Luật không quy định thành viên góp vốn bắt buộc phải là cá nhân, do đó thành viên góp vốn có thể là cá nhân hay tổ chức đều được. Thành viên góp vốn thì chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
b. Cơ cấu, tổ chức của Công ty hợp danh
Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy đinh khác.
Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty.
Theo nguyên tắc, cơ cấu, tổ chức của công ty hợp danh đều do các Thành viên thỏa thuận với nhau, quy định rõ trong Điều lệ công ty. Nhưng phải đảm bảo, quyền của các thành viên hợp danh là ngang nhau khi quyết định các vấn đề về quản lý công ty, không phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn vào công ty.
2. Thủ tục thành lập
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thành lập bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-5, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT)
- Điều lệ công ty hợp danh (Điều lệ công ty phải có đầy đủ họ, tên và chữ ký của các thành viên hợp danh)
- Danh sách thành viên (Phụ lục I-9, thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên (một trong các loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu,…)
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người đó trong trường hợp không do người người thành lập công ty tự mình làm thủ tục. (Vì pháp luật quy định, thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải do người thành lập công ty thực hiện)
Bước 2: Thực hiện thủ tục
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Quý vị tham khảo tại Hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Nhận kết quả
Trường hợp nộp trực tiếp
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hoặc theo ngày hẹn trên giấy biên nhận, người nộp hồ sơ đến bộ phận một cửa để nộp lệ phí và nhận kết quả xử lý.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong vòng 60 ngày, phải nộp sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Thời gian giải quyết là 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp hồ sơ được chấp thuận thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp nộp qua mạng điện tử
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo kết quả xử lý qua email đã đăng ký.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong vòng 60 ngày, phải nộp sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Thời gian giải quyết là 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp, hồ sơ hợp lệ, quý vị sẽ nhận được Thông báo Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã hợp lệ. Trong vòng 30 ngày, người nộp hồ sơ phải mang bản giấy, kèm theo giấy biên nhận, Thông báo Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã hợp lệ đến bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để nộp lệ phí và nhận Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Mọi vấn đề quý vị còn thắc mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.