Hiện nay, để khuyến khích phát triển kinh tế, nhà nước tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển. Do đó, các thủ tục hành chính về việc thành lập, thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày càng dễ dàng hơn, ít thủ tục hơn. Tuy nhiên, trước khi thành lập công ty, quý vị phải lưu ý một số điều kiện như sau:
1.Tên công ty
Để thành thành công ty, thì quý vị phải đặt tên cho công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi đặt tên công ty thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tên công ty phải có 2 thành tố là: Tên loại hình doanh nghiệp và tên riêng của công ty.
Nếu công ty cổ phần thì bắt đầu bằng “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty CP”, công ty trách nhiệm hữu hạn thì bắt đầu bằng “Công ty TNHH” hoặc “Công ty trách nhiệm hữu hạn”, Công ty hợp danh thì bắt đầu bằng “Công ty hợp danh” còn Doanh nghiệp tư nhân thì bắt đầu bằng “Doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN” và theo sau đó là tên riêng của công ty bạn. Tên riêng là tên mà bạn muốn đặt, phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F,J,Z,W, chữ số và ký hiệu.
- Không thuộc một trong các điểm quy định tại điều 38 Luật Doanh nghiệp
– Việc đặt tên phải không được trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã được đăng ký trước đó theo quy định tại điều 41 Luật Doanh nghiệp.
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Địa chỉ trụ sở công ty
Địa chỉ của công ty là nơi công ty đặt trụ sở, phải là địa chỉ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty.
Địa chỉ của công ty không được ở các khu tập thể, nhà chung cư (trừ trường hợp tòa nhà có chức năng làm văn phòng).
Trong hồ sơ thì địa chỉ phải cụ thế đến số nhà/đường/xã/huyện/tỉnh/thành phố.
3. Vốn điều lệ
Vốn điều lệ là một điều kiện bắt buộc để thành lập công ty. Vốn điều lệ để nhằm xác định mức lệ phí môn bài mà công ty phải đóng hàng năm, và nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu, các thành viên với mức vốn đã đăng ký.
Pháp luật không quy định giới hạn cũng như mức vốn tối thiểu để thành lập công ty. Tuy nhiên đối với một số ngành nghề thì có quy định mức vốn tối thiểu. Ví dụ như hoạt động kinh doanh Bất động sản, luật quy định, số vốn tối thiểu phải từ 20 tỷ trở lên.
Một số lưu ý về vốn mà bạn nên biết:
- Thời gian góp vốn mà luật quy đinh khi thành lập công ty
Theo quy định của pháp luật, các thành viên được góp và cam kết góp đủ số vốn đã đăng ký trong 90 ngày kể từ ngày có Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên có quyền thỏa thuận thời gian góp vốn ngắn hơn thời hạn 90 ngày. Việc quy định thời gian góp vốn phải được ghi nhận trong điều lệ của công ty.
Trong thời hạn trên, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ hoặc các thành viên thỏa thuận góp lại đủ số vốn đó.
- Tài sản góp vốn
Góp vốn vào công ty không nhất thiết phải bằng tiền mặt. Mà các thành viên có thể thỏa thuận với nhau tài sản góp vốn. Ví dụ như: Vàng, giấy tờ có giá, quyền sử dụng đất,…. Việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, và phải thực hiện chuyển đổi sang tài sản của công ty theo quy định.
- Tỷ lệ góp vốn
Tỷ lệ góp vốn này sẽ rất quan trọng nếu bạn muốn kiểm soát mọi công việc của công ty.
Trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, để thông qua một quyết định thông thường của công ty thì cần ít nhất 65% biểu quyết tán thành theo tỉ lệ vốn góp. Còn đối với các quyết định đặc biệt thì tỉ lệ này phải từ 75% trở lên. Do đó, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thì nếu bạn có từ 65% tỷ lệ lệ vốn góp thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được công ty.
Còn đối với công ty cổ phần, với quyết định thường thì cần có 51% tổng số phiếu tán thành của các cổ đông dự họp, với quyết định đặc biệt thì cần đến 65% tổng số phiếu tán thành. Tuy nhiên, việc quy định tỷ lệ thông qua biểu quyết này có thể được quy định trong điều lệ của công ty. Trong trường hợp, bạn nắm 36% cổ phần thì bạn có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng.
4. Ngành nghề kinh doanh
Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, quý vị phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh của mình theo mã ngành Cấp 4 được quy định tại Phụ lục I Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Và trong các ngành nghề đăng ký, quý vị phải chọn một ngành chính cho doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên, có một số ngành nghề thuộc nhóm ngành nghề có điều kiện (Phụ lục IV Luật đầu tư), do đó khi muốn kinh doanh những ngành nghề này, quý vị phải có đủ điều kiện, giấy phép, chứng chỉ theo quy định mới được phép kinh doanh.
Pháp luật không quy định giới hạn số lượng ngành nghề mà doanh nghiệp được đăng ký. Nên khi chuẩn bị thành lập, quý vị cần nghiên cứu kỹ những ngành nghề mà mình sẽ kinh doanh và có ý định kinh doanh trong tương lai để có thể đăng ký một lần. Vì sau khi đăng ký quý vị muốn bổ sung, thay đổi ngành nghề thì lại phải mất thêm một lần làm hồ sơ để đăng ký thay đổi nữa.
5. Điều kiện về hồ sơ đăng ký thành lập
Thành phần hồ sơ phải đầy đủ thành phần theo quy định tại các điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp.
Nội dung hồ sơ phải đầy đủ theo quy đinh tại Điều 23, 24, 25 Luật Doanh nghiệp.
Và tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp, hồ sơ phải theo mẫu quy định của Bộ kế hoạch và đầu tư.
Trên đây là các điều kiện cần thiết cần chuẩn bị trước khi thành lập công ty mà Tư vấn Blue đã tổng hợp được. Việc thành lập công ty không quá phức tạp nếu bạn nắm rõ các quy định của pháp luật. Nếu bạn còn bất kỳ vướng mắc hay khó khăn trong quá trình thực hiện, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp nhanh chóng, hoàn toàn miễn phí.