Chúng ta chắc hẳn đều biết đến khái niệm “Bí mật kinh doanh”. Có thể thấy, Bí mật kinh doanh rất quan trọng đối với doanh nghiệp sở hữu nó, nhiều khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Bí mật kinh doanh là một đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Theo quy định của pháp luật, Bí mật kinh doanh được định nghĩa như sau: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.”
1. Bí mật kinh doanh là những thông tin như thế nào?
- Bí mật kinh doanh không bộc lộ ra bên ngoài và không dễ dàng nhận biết được. Đây là đặc điểm có tính chất quyết định và cơ bản nhất.
Tức là phạm vi những người biết đến thông tin đó rất hạn chế, chỉ có những người chủ sở hữu thực sự tin tưởng mới được phép sử dụng, quản lý thông tin. Việc chủ sở hữu bộc lộ thông tin bí mật cho người khác phải dựa trên cơ sở các cam kết bảo mật. Hơn nữa, những người muốn tiếp cận nó cũng khó có thể biết được qua các phương tiện thông tin, sách báo, tạp chí, những dụng cụ hay những trang thiết bị phục vụ kinh doanh (máy tính, trang web của doanh nghiệp,…).
- Bí mật kinh doanh, một mặt là kết quả của hoạt động nhận thức, trí tuệ của con người, được thể hiện, tái tạo qua các vật hữu hình trên. Mặt khác, con người muốn biết, muốn nhận thức được bí mật kinh doanh cần phải thông qua hoạt động nhận thức, trí tuệ. Vì thế, bí mật kinh doanh chính là tài sản trí tuệ của người kinh doanh.
- Bí mật kinh doanh là thông tin có giá trị. Bởi lẽ, trong quá trình kinh doanh chính những thông tin mà được coi là bí mật đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại lợi ích vật chất cho công ty, mang lại một giá trị hữu hình giúp doanh nghiệp đó có thể đứng vững trên thương trường.
2. Tại sao phải bảo hộ bí mật kinh doanh?
Bí mật kinh doanh là bí mật, chưa được bộc lộ thì tại sao phải đăng ký bảo hộ?
- Pháp luật về bí mật kinh doanh muốn duy trì và khuyến khích những chuẩn mực đạo đức và sự công bằng trong thương mại.
- Mục đích chính của pháp luật về bí mật kinh doanh là tạo ra động lực cho các doanh nghiệp sáng tạo bằng cách bảo vệ thời gian và nguồn vốn đáng kể đã được đầu tư vào việc phát triển những sáng tạo mang lại lợi thế cạnh tranh cả về mặt kỹ thuật và thương mại, đặc biệt là những sáng tạo không được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc chưa đủ điều kiện để cấp bằng độc quyền sáng chế.
- Nếu không được bảo hộ bởi pháp luật về bí mật kinh doanh thì những đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó có thể sử dụng những sáng tạo này mà không phải gánh chịu bất kì phí tổn cũng như rủi ro nào trong quá trình nghiên cứu và phát triển những sáng tạo này.
3. Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh
- Không phải hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được
Các thông tin chứa đựng bí mật kinh doanh không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được. Đây là thành quả của quá trình đầu tư cả trí tuệ lẫn tài chính của chủ sở hữu.
Một người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng không thể thu nhận và tạo ra một cách dễ dàng.
- Có giá trị thương mại, đem lại lợi ích kinh tế
Một điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh thứ 2 cần xét đến đó là nó cần có khả năng sử dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng trong hoạt động kinh doanh thực tiễn sẽ tạo lợi thế cho người nắm giữ bí mật này so với không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
Nó phải tạo ra giá trị kinh tế, thương mại cho ai nắm giữ và sử dụng chúng. Giá trị thương mại đối với Bí mật kinh doanh sẽ được xét dựa trên 2 yếu tố:
– Đối với các đối thủ cạnh tranh thể hiện giá trị kinh tế mà đối thủ cạnh tranh phải trả để có được thông tin đó như đầu tư tài chính, nhân lực dể thu được thông tin đó một cách hợp pháp.
– Đối với chủ thể nắm giữ thông tin thể hiện ở các giá trị kinh tế cho công việc kinh doanh hiện tại hoặc tạo ra cho mình một lợi thế cạnh tranh với các đối thủ không biết hoặc không sử dụng thông tin đó.
- Có tính bảo mật
Chủ sở hữu sẽ bảo mật bằng bất kì biện pháp cần thiết nào để thông tin đó không bị bộc lộ và không tiếp cận được dễ dàng. Các biện pháp như:
– Biện pháp hạn chế việc biết được hoặc tiếp cận thông tin đối với các nhân viên trong doanh nghiệp cũng như các chủ thể khác.
– Biện pháp chống việc bộc lộ thông tin.
Một trong những điều kiện quan trọng để bí mật kinh doanh được bảo hộ thì thông tin phải được tồn tại trong tình trạng bí mật. Bí mật được hiểu là những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác như mọi chi tiết của thông tin đó.
Một thông tin cũng được coi là có tính bí mật nếu như chỉ có một phạm vi hạn chế những người trực tiếp sử dụng thông tin đó trong doanh nghiệp biết được thông tin và có trách nhiệm giữ bí mật.
Trên đây là thông tin của Tư vấn Blue về điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh. Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.