Nhãn hiệu hàng hóa là từ không còn xa lạ với chúng ta, ở đâu chúng ta chũng có thể bắt gặp được các nhãn hiệu và đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt, cá biệt hóa hàng hóa của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Do đó để bảo vệ được nhãn hiệu cũng như uy tín, chất lượng của doanh nghiệp đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã có tiếng về các chất lượng dịch vụ, hàng hóa của mình thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp là rất cần thiết.
1. Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phân biệt giữa các hàng hóa, dịch vụ với nhau có vai trò vô cùng quan trọng. Với bối cảnh nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu ra đời và được coi là một biện pháp pháp lý hữu hiệu chống lại hành vi cạnh tranh không lạnh mạnh, nhằm bảo vệ uy tín cũng như quyền lợi hợp pháp cho mọi chủ thể trong sản xuất kinh doanh.
Theo khoản 16 Điều 4 Luật SHTT thì khái niệm nhãn hiệu được hiểu là “dấu hiệu dùng để phẩn biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Nhãn hiệu thường là các dấu hiệu như một từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, logo hoặc sự kết hợp các yếu tố này được sử dụng trên hàng hóa hoặc dịch vụ, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được các mặt hàng khác nhau trên thị trường.
Căn cứ vào chức năng của nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Ta có thể chia ra nhãn hiệu gồm hai loại cơ bản là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dùng cho dịch vụ.
- Nhãn hiệu hàng hóa: là những dấu hiệu để phân biệt hành hóa của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Nhằm trả lời câu hỏi, hàng hóa đó do ai sản xuất, cung cấp.
- Nhãn hiệu dịch vụ: Là những dấu hiệu để phân biệt dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để người có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ đó có thể dễ dàng nhận biết.
2. Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu
Nhãn hiệu luôn đi liền với sản phẩm và có vai trò, chức năng rất quan trọng không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội. Với tư cách là một dấu hiệu chỉ ra doanh nghiệp đã cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đó ra thị trường, nhãn hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng nhận ra một sản phẩm trong nhiều sản phẩm cùng loại mà còn thể hiện được uy tín của doanh nghiệp.
Do đó, việc đăng ký nhãn hiệu có các lợi ích sau:
- Nhãn hiệu của bạn được pháp luật bảo hộ.
Bạn được sử dụng độc quyền nhãn hiệu của mình, khi đăng ký nhãn hiệu không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự như bạn, trong cùng lĩnh vực. Điều này giúp sản phẩm của bạn là độc quyền trên thị trường. Góp phần hạn chế tối đa sự nhầm lẫn của người tiêu dùng.
- Giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Tâm lý chung của khách hàng là họ sẽ ưu tiên chọn những mặt hàng, dịch vụ đã có nhãn hiệu và đặc biệt là các nhãn hiệu đã đăng ký. Vì khi đã có nhãn hiệu thì sản phẩm sẽ hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái hơn. Đồng thời việc đăng ký bảo hộ cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp. Do đó, khách hàng cũng có sự tin tưởng hơn khi lựa chọn.
- Giúp quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.
Khi sản phẩm, dịch vụ của bạn đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng nhãn hiệu sản phẩm sẽ giúp đưa thương hiệu của bạn tiếp cận gần với người tiêu dùng và đồng thời còn giúp tìm kiếm những khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng hơn.
- Tránh khả năng nhầm lẫn.
Nhãn hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu này với hàng hóa và dịch vụ của chủ sở hữu khác. Do đó, sản phẩm khi đã được đăng ký thì sẽ lập tức được công nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp, có bất kỳ nhãn hiệu nào trùng hoặc gần giống như bạn đã đăng ký sẽ bị từ chối.
3. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu
Theo Điều 72 Luật SHTT, để có thể được bảo hộ, nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, Nhãn hiệu phải hội tụ đủ hai yếu tố: Các dấu hiệu có thể nhìn thấy, có thể tri giác được
Các dấu hiệu cụ thể được xem xét là nhãn hiệu được tồn tại dưới dạng chữ cái, từ, ngữ,hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.
Thứ hai, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt được.
Theo khoản 1 Điều 74 Luật SHTT thì: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Nhãn hiệu dễ phân biệt là nhãn hiệu bao gồm các yếu tố đủ để tác động vào nhân thức, tạo nên ấn tượng có khả năng lưu trữ trong trí nhớ hay tiềm thức con người. Khi tiếp xúc với nhãn hiệu đó, bất kì ai cũng có thể nhận ra và phân biệt được chúng với các nhãn hiệu khác.
Trên đây là thông tin về nhãn hiệu và điều kiện để bảo hộ nhãn hiệu chúng tôi tìm hiểu được. Quý vị hãy liên hệ ngay với Tư vấn Blue chúng tôi khi có nhu cầu tư vấn về các vấn đề công ty nói chung cũng như thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nói riêng để được tư vấn miễn phí.